Cách nhận biết hệ thống báo hiệu đường bộ

Hiểu biết và nắm rõ về hệ thống biển báo giao thông đường bộ là một phần quan trọng với bất kể người tham gia giao thông điều khiển bất kỳ loại phương tiện nào. Nội dung bộ đề ôn thi lý thuyết bằng lái xe ô tô sẽ gồm 182 câu hệ thống biển báo, tổng hợp các kiến thức về 5 loại biển báo giao thông đường bộ bao gồm: Biển báo cấm, Biển báo nguy hiểm, Biển hiệu lệnh, Biển chỉ dẫn, Biển báo phụ.

Với các học viên đang ôn thi lý thuyết có thêm tham khảo bài viết sau đây của Lái xe Hà Nội để tự tin hơn khi gặp các câu hỏi về biển báo trong khi thi bằng lái xe ô tô nhé!

1. Biển báo cấm

Có tất cả 56 biển báo cấm được đánh số thứ tự từ biển số 101 đến 139. Đặc trưng của các hình biển báo cấm là biển hình tròn viền đỏ và nền màu trắng, trên nền là hình vẽ màu đen biểu thị cho điều cấm hoặc hạn chế sự đi lại của các phương tiện. Một số biển có cách thể hiện khác so với quy tắc chung như biển cấm dừng, cấm đỗ, biển hết hạn chế tốc độ, biển STOP.

Hiệu lực của các loại biển báo cấm có thể có giá trị trên tất cả các làn đường, hoặc chỉ có giá trị trên một hoặc một số làn của một chiều xe chạy. Bắt buộc lái xe phải tuyệt đối chấp hành các điều đã được báo trên biển.

2. Biển báo nguy hiểm

Hiện nay có 46 loại biển báo nguy hiểm được đánh số từ 201 đến 246 trong hệ thống luật giao thông đường bộ. Các biển báo này đều có hình dạng tam giác đều, viền đỏ, nền vàng; phía trên là hình vẽ màu đen mô phỏng nội dung cần thể hiện.

Với mục đích cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, khi nhìn thấy các biển báo này, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cần:

– Giảm tốc độ để có thời gian nhận diện nội dung của biển báo

– Xem xét tình hình thực tế và đưa phương án xử lý phù hợp.

3. Biển báo hiệu lệnh

Nhóm biển báo này có dạng hình tròn nền xanh dương và hình vẽ màu trắng. Chúng biểu thị những hiệu lệnh mà người tham gia giao thông phải tuân theo, tiêu biểu như chuyển hướng, chuyển làn, điều chỉnh tốc độ…

Biển hiệu lệnh gồm 10 kiểu được đánh số thứ tự từ biển số 301 đến biển số 310.

4. Biển chỉ dẫn

Đây là những biển báo chỉ dẫn hướng đi hoặc các thông tin cần biết cho người tham gia giao thông. Vì thế, các biển báo này thường được thể hiện rất chi tiết và dễ hiểu, đồng thời có tác dụng giúp cho việc điều khiển và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn.

Có tất cả 48 kiểu biển chỉ dẫn được đánh số thứ tự từ 401 đến 448 và được thiết kế dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật với nền màu xanh dương nhạt. Bên cạnh đó cũng có một số biển được biểu thị hình ảnh bằng màu sắc khác như đen, vàng, đỏ…

5. Biển báo phụ

Thường có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật, viền đen, nền trắng và hình vẽ màu đen, các biển báo phụ thường nằm dưới các biển chính để bổ sung và làm rõ ý nghĩa cho biển chính. 

Hiện nay, có tất cả 10 loại biển phụ được đánh số từ 501 đến 510.

Ngoài 5 loại biển báo kể trên còn 2 loại biển báo khác bạn cũng cần lưu ý đó là:

– Biển báo vạch kẻ đường: có 2 loại là vạch kẻ đường nằm đứng và vạch kẻ đường nằm ngang có thể dùng độc lập hoặc có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Trong trường hợp ở một nơi vừa có vạch kẻ đường vừa có cả biển báo thì người lái xe phải tuân thủ theo sự điều khiển của biển báo hiệu.

– Biển báo trên đường cao tốc: bạn có thể bắt gặp khi điều khiển xe trên đường cao tốc nhằm biểu thị các nội dung khá rõ ràng, giúp đảm bảo khả năng thông xe cũng như an toàn cho người tham gia giao thông.

Trên đây là tất cả những thông tin của các biển báo hiệu đường bộ giúp cho học viên tham khảo. Hãy ghi nhớ để có thể hoàn thành tốt phần thi lý thuyết và tham gia giao thông một cách an toàn sau này. Chúc các bạn luôn vững vàng trên mọi nẻo đường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *